Xạ trị (radiation therapy) là phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa để tiêu diệt các tế bào ung thư và được coi là một phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả kinh tế nhất. Xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư thông qua cơ chế gây tổn thương đứt gãy DNA của tế bào.

Hệ thống máy xạ trị tại Khoa Xạ trị - Xạ phẫu – Bệnh viện TƯQĐ 108 bao gồm 01 máy gia tốc thẳng Clinax CX của hãng VARIAN có 2 mức năng lượng photon 6 MV và 15 MV, 5 mức năng lượng electron 6, 9, 12, 15, 18 MeV cùng hệ thống trang thiết bị đồng bộ: collimator 80 lá (Millenium MLC – multileaf collimator), chụp ảnh cửa kỹ thuật số kiểm tra trước điều trị (EPID – electronic portal imaging device), hệ thống quản lý thông tin bệnh nhân ung thư ARIA, các thiết bị kiểm chuẩn đảm bảo chất lượng điều trị. Hiện nay, hệ thống máy gia tốc Clinax CX của hãng Varian(Hoa Kỳ) tại bệnh viện là một trong những hệ thống máy xạ trị hiện đại nhất tại Việt Nam có chức năng thực hiện các kỹ thuật xạ trị 2D, 3D theo hình dạng khối u (3D Conformal Radiation Therapy – 3D CRT) và đặc biệt là kỹ thuật xạ trị điều biến liều (Intensity Modulated Radiation Therapy – IMRT) sử dụng ống chuẩn trực đa lá (MLC), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (Image Guided Radiation Therapy – IGRT).

Kỹ thuật xạ trị điều biến liều là kỹ thuật xạ trị hiện đại tiên tiến cho phép đảm bảo phân bố liều cao tối đa ở khối u đồng thời phân bố liều tối thiểu ở các tổ chức lành xung quanh, do đó giúp điều trị chính xác, tăng hiệu quả kiểm soát khối u và giảm thiểu các biến chứng do xạ trị. Bên cạnh đó, để đảm bảo chính xác trong điều trị, xạ trị điều biến liều phải được kết hợp với xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh.

Các bác sỹ xạ trị ung thư và kỹ sư vật lý tại Khoa Xạ trị - Xạ phẫu đều có tâm huyết và được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp tại các Trung tâm xạ trị ung thư có uy tín trong và ngoài nước. Hiện nay chúng tôi điều trị cho 40 - 50 bệnh nhân mỗi ngày, trong đó 30 -40% bệnh nhân được xạ trị điều biến liều dưới hướng dẫn hình ảnh. Quy trình xạ trị được tuân thủ theo khuyến cáo của Hội xạ trị Mỹ và Châu Âu, đảm bảo sự chính xác và an toàn trong điều trị.



CÁC CHỈ ĐỊNH XẠ TRỊ UNG THƯ

1. Xạ trị đơn thuần triệt căn cho bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm: ung thư vòm, ung thư thanh quản, ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến...
2. Kết hợp xạ trị và hóa chất triệt căn cho bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển: ung thư vòm, ung thư hạ họng thanh quản, ung thư họng miệng, ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung...
3. Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật và hóa chất: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư trực tràng, ung thư hạch, ung thư xương, ung thư phần mềm…
4. Xạ trị tiền phẫu: ung thư trực tràng, ung thư thực quản, ung thư phổi…
5. Xạ trị triệu chứng (giảm đau, giảm chèn ép, chảy máu…) cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.

QUY TRÌNH XẠ TRỊ

1. Khám và chẩn đoán: bác sỹ khai thác tiền sử, khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết, gửi khám các chuyên khoa để chẩn đoán và phối hợp điều trị.
2. Hội chẩn phác đồ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân, có thể xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp hóa chất. Bác sỹ giải thích cho bệnh nhân về quy trình xạ trị, các tác dụng phụ có thể gặp, cách dự phòng và khắc phục, hẹn bệnh nhân chụp CT mô phỏng và thời gian bắt đầu điều trị.
3. Chụp CT mô phỏng: tư thế mô phỏng giống hệt tư thế lúc điều trị, Bệnh nhân có thể được sử dụng mặt nạ hoặc các phương tiện cố định và xăm đánh dấu trên da khi mô phỏng. Hình ảnh CT mô phỏng được sử dụng để lập kế hoạch xạ trị.
4. Lập kế hoạch điều trị: thời gian lập kế hoạch xạ trị thông thường 2-3 ngày, xạ trị điều biến liều khoảng 7-10 ngày.
5. Kỹ sư vật lý kiểm chuẩn kế hoạch xạ trị điều biến liều.
5. Dịch tâm (Shift isocenter) trên CT, xăm đánh dấu tâm mới.
6. Điều trị bệnh nhân: Đặt bệnh nhân lên bàn điều trị đúng với tư thế như khi chụp CT mô phỏng. Bệnh nhân được chụp phim XQ kỹ thuật số kiểm tra trước điều trị vào đầu mỗi tuần (xạ trị 3D) hoặc hàng ngày (xạ điều biến liều).
7. Bệnh nhân thường được xạ trị mỗi ngày một lần từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, thời gian mỗi lần điều trị từ 15 - 30 phút. Thứ Bẩy và Chủ nhật nghỉ không điều trị. Tổng thời gian một đợt điều trị 5 – 7 tuần với các bệnh nhân xạ trị triệt căn, 1 ngày – 3 tuần đối với bệnh nhân xạ trị triệu chứng.
8. Bác sỹ khám bệnh nhân hàng tuần, đánh giá hiệu quả điều trị và tác dụng phụ; xử trí các tác dụng phụ và bất thường trong điều trị.
9. Sau khi kết thúc đợt điều trị tia xạ, bác sỹ đánh giá lại tình trạng bệnh và hẹn bệnh nhân tái khám định kỳ.

CÁC TÁC DỤNG PHỤ CÓ THỂ GẶP KHI XẠ TRỊ

1. Tác dụng phụ cấp tính (xuất hiện 7 – 10 ngày sau xạ trị và hết sau kết thúc xạ trị 2 – 3 tuần):
- Mệt mỏi, chán ăn, nôn, buồn nôn (khi hóa xạ đồng thời).
- Viêm da vùng xạ trị.
- Viêm phổi do tia xạ (xạ trị vùng ngực).
- Giảm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu (khi hóa xạ trị đồng thời).
- Rụng tóc khi xạ trị các khối u vùng đầu-cổ.
- Viêm niêm mạc miệng, họng, viêm thực quản (xạ trị vùng đầu - cổ - ngực) gây đau, nuốt vướng, nuốt khó.
- Đau bụng, đi lỏng, viêm bàng quang (xạ trị vùng bụng – chậu).
2. Tác dụng phụ muộn (sau kết thúc xạ trị vài tháng đến vài năm):
- Teo da, hoại tử da vùng xạ trị.
- Khô miệng, khít hàm (xạ trị vùng đầu - cổ).
- Xơ phổi (xạ trị vùng ngực).
- Viêm, dính ruột (xạ trị vùng bụng - chậu).
- Ức chế tủy xương (hiếm gặp).
- Ung thư thứ phát (hiếm gặp).

HƯỚNG DẪN BỆNH NHÂN KHI XẠ TRỊ
1. Nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn nhiều bữa, thức ăn mềm, lỏng, giàu năng lượng và dinh dưỡng. Không dùng gia vị chua, cay, thức ăn hoặc đồ uống quá nóng. Theo dõi cân nặng hàng tuần.
2. Bỏ thuốc lá, thuốc lào, không uống rượu bia, cà phê, chất kích thích.
3. Bệnh nhân xạ trị vùng đầu-cổ cần chú ý vệ sinh răng miệng tránh sâu răng, viêm loét niêm mạc miệng: đánh răng bằng bàn chải mềm sau khi ăn và buổi tối trước ngủ, súc miệng thường xuyên nước muối sinh lý.
4. Bệnh nhân xạ trị vùng bụng-chậu, cần hạn chế ăn chất xơ và mỡ động vật. Không tự ý ăn kiêng nếu như chưa có sự tư vấn của bác sỹ.
5. Chăm sóc da vùng tia xạ:
- Giữ vệ sinh da: bệnh nhân có thể tắm gội hàng ngày dùng sữa tắm trẻ em nhưng tránh không gãi, kỳ mạnh hoặc dán băng dính làm tổn thương da vùng tia xạ.
- Mặc quần áo rộng, cotton mềm tránh cọ sát vào da.
- Không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào da vùng tia xạ.
- Bôi Biafine 2 - 3 lần/ngày, không bôi trước xạ 2 giờ.
- Không cạo râu, không dùng nước hoa, phấn trang điểm trên da vùng tia xạ. Nếu cần có thể cạo râu bằng bàn cạo chạy điện.
6. Thông báo cho bác sỹ điều trị biết những bệnh đang điều trị và thuốc đang sử dụng.
7. Khi có các biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sỹ: khó thở, đau, sốt, chảy máu, viêm da ướt tại vùng tia xạ...
8. Bệnh nhân đang điều trị tia xạ ngoài không là nguồn bức xạ và không cần cách ly với những người xung quanh.
 

Liên hệ: Khoa Xạ trị - Xạ phẫu - BV 108

Điện thoại: 04. 62784163