Ung thư vòm họng di căn: Đó là cuộc chiến
TTO - Trần Đồng, chủ nhiệm Câu lạc bộ 'Cuộc chiến chống ung thư' với gần 8.000 thành viên ung thư khắp cả nước, trải qua 42 đợt hóa - xạ trị nhưng vẫn truyền động lực cho hàng trăm 'chiến binh' ung thư. “Chiến binh” ung thư Trần Đồng - Ảnh: DUYÊN PHAN Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ ngấp nghé tuổi lục tuần với mái tóc chấm ngang vai đen nhánh, giọng nói sang sảng. Thấm thoắt đã 5 năm từ ngày vượt qua "cuộc chiến ung thư", người phụ nữ này vẫn đang từng ngày truyền động lực cho hàng trăm "chiến binh" ung thư hồi sinh từ án tử. Chị là Trần Đồng (tên thật là Đồng Thị Luyện) bị ung thư vòm họng di căn, chị gọi hành trình mình vượt qua ung thư không khác gì một "cuộc chiến". Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, chị nói: "Đó là cuộc chiến, mà dù chiến thắng hay thất bại đều để lại những di chứng nặng nề". "Kiểu gì tôi cũng về đích" * Từ lúc nào chị biết mình bị ung thư vòm họng? - Đó là năm 2013. Ban đầu chỉ là ù tai, đau nửa đầu, các triệu chứng ngày càng trở nặng khiến tôi ho ra máu, nổi hạch từng chùm và quên nhiều hơn. Lúc ấy chồng nghỉ việc, con đi du học buộc tôi lao vào kiếm tiền lo cho gia đình. Một năm sau đi nội soi, tôi chính thức phát hiện bị ung thư vòm họng giai đoạn 3 (có 4 giai đoạn). Tôi rất sốc. * Khi bị ung thư nhiều người nghĩ ngay đến cái chết. Nhưng chị lại rất bình tĩnh? - Đúng thế. Khi có kết quả nội soi, hai bác sĩ mời tôi ra ngoài, đóng cửa trao đổi điều gì đó. Tôi làm liều đẩy cửa vào nói: "Bác sĩ ơi, ung thư giai đoạn cuối rồi hả?". Cả hai bác sĩ trố mắt hỏi ngược lại: "Chị ơi, sao đến khám trễ quá vậy?". Tôi đập tay bác sĩ bảo đừng nói trễ, bởi câu nói này khiến cho bệnh nhân nghĩ rằng họ hết đường sống. Tôi bình thản nói mình đến trễ về trễ, kiểu gì tôi cũng về đích. Kể từ khi biết mình bị ung thư, tôi chỉ cười và cười dù đôi lúc đau cười không nổi. Nhiều bác sĩ lấy làm ngạc nhiên hỏi: "Chị ơi, vẫn cười được hả chị?". Tôi bảo nếu khóc mà khỏi bệnh tôi sẽ khóc từ sáng đến tối, nên cứ phải cười, dù tuyệt vọng đến mức nào (cười...). * Và rồi chị quyết định im lặng...? - Lúc đó tôi chưa thể nói chuyện này với chồng, bởi ông ấy rất dễ suy sụp, nếu nói ra chắc ông ấy sẽ là người ra đi trước. Tôi có 6 tháng chuẩn bị mọi thứ cho chồng và hai con tự lập. Tôi bắt đầu dạy chồng con cách nấu các món ăn truyền thống, lau nhà, dùng máy giặt, lò nướng... Rồi đi công chứng hết giấy tờ tài sản, nhà cửa sang tên cho chồng để thuận tiện sau này. Trước những cơn đau hành hạ, tôi lại lao vào phòng đóng cửa, một mình chịu trận. Đêm đến tôi kể bóng gió về ung thư của người này người kia để tạo tâm lý trước cho chồng nhưng ông ấy chỉ nói: "Ung thư chỉ có chết, chứ sao sống nổi". Đến khi chuẩn bị xong mọi thứ, tôi nói thì ông sợ và khóc. Tôi bán hết mọi thứ có thể bán, gom đủ 24 triệu đồng bước vào "cuộc chiến". Chị Trần Đồng ôm chị Trần Thị Dung tiếp động lực bên giường bệnh để chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Nhờ “tinh thần Trần Đồng” nay chị Dung đã khỏe và hỗ trợ nhiều người ung thư khác - Ảnh: NVCC Vui vẻ, sự sống sẽ hồi sinh * Ít bệnh nhân ung thư dám chọn hóa - xạ đồng thời, bởi đây là phác đồ điều trị rất nặng, có người phải bỏ cuộc giữa chừng... - Tôi đã bỏ qua "thời gian vàng" điều trị, tình trạng ung thư di căn quá nặng không thể mổ. Khi quyết định chọn hóa - xạ đồng thời, bác sĩ trầm ngâm hỏi: "Chị nhắm sao chị?". Tôi gật đầu nói: "Được". Tôi tin mình không chết bởi còn nặng gánh nhiều thứ. Tôi phải nhổ bỏ 9 chiếc răng tránh nhiễm trùng vào tủy, máu và gần như chạy đua với thời gian để tự tay chưng cất dầu dừa xức khi da phỏng cháy, bồ kết gội đầu, khăn mềm lau (phòng khi da lở loét) và trồng rau sạch để ăn. Hóa - xạ cùng lúc làm tôi mất sức khủng khiếp. Đau đớn, vật vã triền miên khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy kiệt. Không nói, không mở mắt được, tay chân bất động, da dẻ dần bị lở loét - ngay lúc đó tôi chỉ muốn nhắm mắt cho thoát khỏi đau đớn. Đó là lần đầu tiên tôi xin buông nhưng không dứt được và là lần đầu tiên tôi khóc khi không đủ tiền hóa - xạ. Thế rồi trải qua 42 đợt hóa - xạ bác sĩ bảo rằng cơ thể tôi đáp ứng thuốc cực kỳ tốt. Tôi mừng như được sinh ra lần thứ hai khi tế bào ung thư bị đẩy lùi. Và bây giờ tôi thấy mình khỏe dữ lắm, năng lượng làm việc vẫn còn rất nhiều. * Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, đâu là bí quyết giúp chị hồi sinh? - Chính là tinh thần lạc quan. Trong quá trình hóa - xạ tôi chứng kiến có rất nhiều người muốn bỏ cuộc, họ suốt ngày khóc lóc nghĩ đến cái chết, cáu bẳn với cả bác sĩ. Ở trại K mệt mỏi, tôi cố pha trò, chọc cho các bệnh nhân cười để vượt qua mỗi khi đau quá. Rồi cứ mỗi lần vô hóa chất, tôi mang theo một cuốn truyện cười để đọc và một chiếc máy tính bảng làm việc. Bởi vậy ở khu xạ trị, các bác sĩ, bệnh nhân ung thư chọc tôi là "âm thanh xuất hiện trước hình ảnh" (cười...). * Chắc hẳn đã có rất nhiều "chiến binh" hồi sinh nhờ vào tinh thần lạc quan vui vẻ như chị? - Nhiều chứ. Như cô Hiếu ung thư phổi giai đoạn 4 dù bước sang tuổi 65 nhưng vẫn cười tươi nhí nhảnh. Cô Châu ngoài 60 tuổi bị ung thư di căn vào xương, hôn mê mấy tháng rồi tỉnh táo không cần phải ngồi xe lăn. Cả cô Dung bị ung thư, từng nằm liệt giường lở loét khắp người nay khỏe hẳn, có thể đồng hành cùng tôi đi nấu món ăn cho "đồng đội". Có rất nhiều bạn trẻ chiến thắng ung thư tìm được một nửa hạnh phúc của đời mình, rồi sinh em bé... Chỉ vậy thôi, tôi và đại gia đình "chiến binh" ung thư như tiếp thêm sức sống. Cứ vui vẻ, suy nghĩ tích cực, điều tốt đẹp sẽ tới. Một "chiến binh" bị ung thư di căn vào xương, bệnh viện trả về nằm hôn mê mấy tháng rồi hồi tỉnh. Mỗi lần chị Trần Đồng ghé thăm, "chiến binh" này lại trở nên vui tươi yêu đời hơn - Ảnh: NVCC Trả ơn cuộc đời * Chị là người sáng lập và chủ nhiệm của câu lạc bộ "cuộc chiến chống ung thư" với trang facebook gần 8.000 thành viên. Từ đâu chị có ý tưởng này? - Đó chính là sự cô đơn vô cùng trong quá trình điều trị ung thư. Tôi không dám và không muốn chia sẻ với bất kỳ ai, kể cả gia đình. Có một số người quan niệm ung thư là phải chết và họ nghĩ tôi sắp chết. Cho đến khi tôi biết đến trang "chiến thắng ung thư" của một "chiến binh" khác lập nên, tôi mừng rơi nước mắt. Trong cô đơn tuyệt vọng nhất, đó là lúc tôi thấy mình có "đồng đội". Lúc đầu tôi lập trang facebook "Những chiến binh kiên cường vòm họng" và đến cuối năm 2016 trang "Cuộc chiến chống ung thư" ra đời với gần 8.000 thành viên, đều là người bệnh và gia đình của người ung thư. Mục đích tạo sân chơi giao lưu chia sẻ và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh ung thư. Đó có thể chỉ đơn giản là được nhìn thấy nhau, cùng ôm xiết tay nhau hoặc chia sẻ chút đồ ăn vực dậy tinh thần cho "đồng đội". Đó còn là nơi để "chiến binh" ung thư có thể thoải mái "tự sướng" khoe hình, chia sẻ tin vui, niềm đau trong hành trình chống chọi bệnh tật của chính mình. Các thành viên câu lạc bộ cuộc chiến chống ung thư tổ chức sinh nhật cho một “chiến binh” - Ảnh: NVCC * Tại sao chị lại gọi hành trình điều trị ung thư là "cuộc chiến" và người bệnh là "chiến binh"? - Bởi nó đúng nghĩa là một cuộc chiến thực sự. Ai vượt qua nó đều xứng đáng là "chiến binh". Dù chiến thắng hay thất bại cũng để lại những di chứng nặng nề và đau đớn. Như tôi chẳng hạn, dù bảo tồn tính mạng nhưng vĩnh viễn mất đi tuyến nước bọt và vị giác. Ung thư khiến nhiều chị em mất đi thiên chức làm mẹ khi phải cắt bỏ các bộ phận trên cơ thể như vú, buồng trứng, tử cung. Đau xót hơn là sự ra đi của rất nhiều bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ, họ chưa biết tới hạnh phúc gia đình hoặc con cái còn quá thơ dại. * Người bị bệnh ung thư đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về tiền bạc, thuốc men, tinh thần và kể cả cái chết… - Đúng vậy. Hiện tại bệnh nhân ung thư thiếu thốn đủ điều. Nhưng cái thiếu lớn nhất hiện nay là họ chưa có được hỗ trợ về tinh thần. Nghĩa là tư vấn về tâm lý, tinh thần cho bệnh nhân ung thư. Mắc ung thư đồng nghĩa với việc công việc, tiền bạc, sự nghiệp danh vọng và thậm chí gia đình đều tiêu tan. Chưa kể phải có thêm một người nghỉ việc theo sát chăm nom. Tôi thấy hiện có rất nhiều loại thuốc ung thư người bệnh đáp ứng tốt lại nằm ngoài danh mục bảo hiểm, mua ngoài rất đắt đỏ. Đối với người bệnh không có khả năng chi trả họ không thể đi hết liệu trình điều trị. Do đó, cần phải có bảo hiểm để cứu sống họ. * Hỗ trợ cho hàng ngàn bệnh nhân ung thư như thế gần như chị không có thời gian cho riêng mình… - Lâu lâu nhớ món rau lang luộc, bí đỏ nấu đậu phộng, cá nấu riêu, sinh tố… bệnh nhân ung thư lại nhớ gọi tôi làm mang đến, tôi vui vì họ ăn ngon lành. Có bệnh nhân nằm co quắp trên giường, không chịu ăn uống nhưng có tôi động viên họ trở nên tươi tỉnh, có người nửa đêm gọi điện nói "muốn chết" nhưng sau khi bị tôi la mắng lại trở nên "muốn sống". Nhiều "chiến binh" trước lúc ra đi, tôi đều có mặt để ôm họ một lần cuối. Một ngày của tôi gần như không có thời gian cho riêng mình. Quả thật nhiều lúc tôi bị quá tải. Nhưng với tôi đó là niềm hạnh phúc để đáp trả lại ân tình nhận được từ gia đình, bạn bè và các bác sĩ. Chị Trần Đồng vui tươi cùng với các “chiến binh” trong câu lạc bộ cuộc chiến chống ung thư - Ảnh: NVCC Người viết tâm thư cho bộ trưởng Bộ Y tế Trong cộng đồng của bệnh ung thư cả nước, cái tên Trần Đồng từ lâu trở nên quá quen thuộc. Không chỉ là tấm gương về nghị lực chiến đấu đến cùng với căn bệnh ung thư, chị còn là điểm tựa cùng đồng hành hỗ trợ tinh thần cho người bệnh trong suốt hành trình điều trị. Nhờ "tinh thần Trần Đồng" nhiều người bệnh ung thư hồi sinh từ án tử. Đau đáu trước số phận của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân K (ung thư), tháng 8-2017 chị thay mặt hàng ngàn bệnh nhân viết bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để thể hiện sự bức xúc trước việc Công ty cổ phần VN Pharma được cho là nhập, phân phối thuốc ung thư giả. "Hàng ngày, phải chứng kiến hết thành viên này đến thành viên khác trong câu lạc bộ ra đi mà bất lực không thể làm gì cho họ. Những cái ôm động viên, những cái xiết tay và lau cho nhau những giọt nước mắt đã cố ghìm sao vẫn cứ trào ra, sau sự ra đi là nỗi đau để lại. Hãy bảo vệ chúng tôi, cho chúng tôi được thấy sự công bằng của cán cân công lý, quyền được hi vọng và được sống. Hãy cho chúng tôi niềm tin như chúng tôi vẫn hằng động viên nhau: Ung thư không phải là dấu chấm hết" - trích bức tâm thư. Bác sĩ CKII Lâm Đức Hoàng - Trưởng khoa Xạ 3 (chuyên ung thư đầu, cổ, họng - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM): Tinh thần "thép" Năm 2014 tôi tiếp nhận điều trị ung thư cho chị Trần Đồng. Trong 4 giai đoạn ung thư vòm họng, chị Đồng ở vào giai đoạn III khi hình thành khối u khá lớn. Phải thừa nhận rằng chị Đồng là một bệnh nhân ung thư đặc biệt, một người phụ nữ có tinh thần "thép" mới có thể lựa chọn và vượt qua 42 đợt hóa - xạ trị đồng thời vô cùng đau đớn. Đây là phác đồ "nặng ký", hiếm có bệnh nhân nào dám chọn và nếu chọn ít ai đi đến cùng. * Chị Bùi Thị Dung (55 tuổi, bệnh nhân ung thư vú, thành viên câu lạc bộ cuộc chiến chống ung thư): Chị Đồng quá tuyệt vời! Năm 2016 khi tôi đang mải miết kinh doanh làm giàu thì căn bệnh ung thư vú giai đoạn IIIB ập đến. Tôi sốc, tuyệt vọng và không thể suy nghĩ được gì. Và trong quá trình điều trị ung thư, tôi may mắn được gặp chị Đồng. Chị rất thẳng tính và không hề nhẹ nhàng chút nào cả. Có đợt khó ăn khó thở, tôi buông xuôi liền bị chị la mắng để xốc lại tinh thần. Nhờ đó tôi có niềm tin chiến đấu vượt qua án tử. Cùng chống chọi và vượt qua căn bệnh ung thư nhưng với tôi chị Đồng quá tuyệt vời, là người phụ nữ có tinh thần "thép".
K vú: 8 năm kiên cường chiến đấu
BVK - Chị Hoàng Thu Hà ở Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những điển hình của một người bệnh dám đối diện với ung thư một cách kiên cường và mạnh mẽ. Và trái ngọt của điều đó chính là mặc dù đã bị ung thư vú từ năm 2011 nhưng đến nay chị vẫn mạnh khỏe và thậm chí còn tham gia rất tích cực vào Câu lạc bộ Phụ nữ Kiên cường, một câu lạc bộ dành cho bệnh nhân ung thư vú trên cả nước. Giống như bao nhiêu người phụ nữ khác, chị Hà có một gia đình hạnh phúc với hai bé sinh đôi và công việc nghiên cứu trong ngành dệt may. Những tưởng cuộc sống ấy cứ bình dị trôi đi thì một ngày tháng 2/2011 chị bỗng thấy nhói đau ở ngực trái. Sau những phút phân vân, chị quyết định đến Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ để thăm khám. Tại đây, sau khi thăm khám, làm xét nghiệm sinh thiết kim nhỏ, bác sĩ chẩn đoán chị bị Carcinoma vú và có chỉ định phẫu thuật. Tin mình bị ung thư vú như sét đánh ngang tai người phụ nữ nhỏ bé ấy, những suy nghĩ tiêu cực về căn bệnh mà ai cũng sợ cứ quay cuồng ở trong đầu, hoang mang, lo lắng, chị khóc. Sau những phút giây yếu lòng đó chị đã lấy lại được bình tĩnh. Chị nghĩ, nếu số phận đã định đoạt như vậy thì mình sẽ mạnh mẽ để chiến đấu và chiến thắng nó, mình phải điều trị, phải sống vì hai đứa con sinh đôi chưa đầy 10 tuổi, vì những người mà mình thương yêu. Chị đã bước vào ca phẫu thuật với một tâm thế thoải mái, lạc quan và tràn đầy hi vọng như thế. Sau ca phẫu thuật thành công như mong đợi, chị lại tiếp tục bước vào hành trình đấu tranh giành lại sự sống của mình với 25 mũi xạ và 8 đợt truyền hóa chất. Chị may mắn khi gặp ít tác dụng phụ khi truyền thuốc nên sau mấy ngày mệt mỏi chị vẫn đọc sách, dịch tài liệu để thấy mình không phải là người vô ích, chị cố gắng ăn uống thật tốt và điều độ, mỗi tối, sau khi xong việc nhà chị lại đi bộ, tập thể dục để có thêm sức khỏe cho đợt điều trị tiếp theo. Ngày 24/11/2011, chị được ra viện trong niềm hạnh phúc của chị và gia đình. Hiện giờ, sau một thời gian 3 tháng tái khám, sức khỏe của chị đã đi vào ổn định nên 6 tháng chị mới phải tái khám một lần. Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng bệnh ung thư vú chiếm tới 1,2 triệu ca. Ở nước ta, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 165.000 ca mới mắc và khoảng 115.000 trường hợp tử vong do ung thư, thì riêng ung thư vú chiếm khoảng 15.000 ca mới mắc và trên 6.000 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, bệnh ung thư vú hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu mỗi người có thói quen tự kiểm tra vú và đi khám sàng lọc ung thư vú. Khi phát hiện ra bệnh thì người bệnh cần phải tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ điều trị, bên cạnh đó người bệnh phải chuẩn bị cho mình một tâm lý thật vững vàng, một chí ý mạnh mẽ và niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Hiện nay, ngoài công việc riêng và gia đình, chị Hà còn là chủ nhiệm của Câu lạc bộ Phụ nữ Kiên cường, một câu lạc bộ hiện đang có khoảng trên 700 thành viên trên cả nước đều là bệnh nhân ung thư vú tham gia. Trải qua 8 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư nên chị Hà hiểu hơn ai hết cảm giác cô đơn, mất phương hướng của những đồng bệnh như mình. Câu lạc bộ phụ nữ kiên cường được thành lập tháng 2 năm 2014 với sự khuyến khích và hỗ trợ của PGS.TS BS Nguyễn Đình Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế, nhằm mục đích hỗ trợ những bệnh nhân ung thư vú cả tinh thần và hiểu biết về bệnh, để “cựu binh dìu dắt tân binh” nên các thành viên không cảm thấy cô đơn trong suốt chặng đường chữa bệnh. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, thành viên CLB được các BS truyền đạt những kiến thức về bệnh và phương thức điều trị, giải đáp các thắc mắc về dinh dưỡng và luyện tập để hồi phục sức khỏe tốt. Với những hoạt động như vậy, các thành viên có những hiểu biết nhất định về bệnh để miễn nhiễm với những thông tin sai lệch về ung thư và điều trị ung thư đang tràn lan trên mạng xã hội, góp phần vào đạt kết quả chữa bệnh tốt. Nhiều thành viên còn tham gia vào Dự án Hỗ trợ ung thư vú trong cộng đồng do CLB thực hiện để góp phần cung cấp thông tin hữu ích về nguy cơ và giảm thiểu nguy cơ ung thư vú cho phụ nữ. Link: https://benhvienk.vn/8-nam-kien-cuong-chien-dau-voi-can-benh-ung-thu-vu-nd79117.html
Tháp chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
www.vinmec.com: Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh rất quan trọng đối với sức khoẻ tổng thể của con người, đặc biệt là những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể sức đề kháng cho người bệnh mà còn góp phần nâng cao hiệu quả điều trị. 1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng trong việc điều trị ung thư Tại Việt Nam hiện nay, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng cách trong quá trình điều trị bệnh đang ngày một gia tăng. Điều này khiến cho bệnh nhân nhanh chóng bị giảm cân và suy dinh dưỡng rất đáng lo ngại. Mặt khác, một trong những tình trạng phổ biến nhất mà hầu hết các bệnh nhân ung thư dễ mắc phải là sự suy kiệt của cơ thể. Vấn đề này có thể xuất phát từ những tác dụng phụ không mong muốn của các liệu pháp điều trị ung thư, hoặc cũng có thể xảy ra do tâm lý lo lắng, thấp thỏm và chán trường của người bệnh. Tuy nhiên, xét cho cùng thì tình trạng suy kiệt phần nhiều là do khối u tác động đến cơ thể. Những tế bào ung thư hoạt động mạnh mẽ sẽ làm cho quá trình chuyển hoá thông thường của cơ thể bị biến đổi, từ đó nguồn năng lượng ít ỏi bị tiêu hao nhiều hơn, thậm chí các mô, cơ và các tế bào trong cơ thể bị phá hủy nghiêm trọng. Vì vậy, tình trạng suy kiệt về thể lực cũng như tinh thần của bệnh nhân là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, tình trạng suy giảm về cân nặng và thể chất nghiêm trọng cũng khiến cho nhiều bệnh nhân ung thư không thể tiếp tục “gắng sức” theo hết các liệu trình điều trị bệnh. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị bệnh mà còn khiến cho tiên lượng sống của bệnh nhân bị giảm xuống. Chưa hết, khi không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, những người mắc ung thư sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng, cơ thể dễ bị nhiễm trùng, và thậm chí là tử vong. Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư cần phải đảm bảo có đầy đủ các nhóm chất, bao gồm chất béo, chất đạm, tinh bột, vitamin, nước và các khoáng chất thiết yếu. Những người mắc bệnh ung thư nên chú trọng tới việc ăn ít thịt nhưng nhiều rau, cá, dầu thực vật, đồng thời tích cực luyện tập thể dục thường xuyên hơn để cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giúp chống lại sự “tấn công” của ung thư. Người nhà của bệnh nhân nên cố gắng cho người bệnh thoải mái ăn theo khẩu vị mà họ yêu thích. Các bữa ăn cũng nên được chia nhỏ thành nhiều bữa để cơ thể bệnh nhân dễ hấp thụ được các chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, những người thân của bệnh nhân cũng cần phải khuyên nhủ người bệnh chịu khó hoạt động thể chất, hạn chế nằm nhiều một chỗ, giữ cho đầu óc luôn được thoải mái, thư giãn, tránh lo âu và suy nghĩ tiêu cực quá nhiều để giúp cho việc điều trị khởi sắc hơn. Người bệnh ung thư cần được cung cấp chế độ ăn khoa học 2. Các chất dinh dưỡng cần thiết trong bữa ăn của bệnh nhân ung thư Như đã đề cập ở trên, một chế độ dinh dưỡng với đầy đủ các nhóm chất quan trọng sẽ giúp cho bệnh nhân ung thư cải thiện được sức đề kháng của mình để có thể chống chọi lại với bệnh tật và nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị. Một trong những bất lợi lớn nhất trong quá trình điều trị ung thư chính là sự chán ăn. Điều này xảy ra là do tâm lý sợ hãi và chán nản của người bệnh, đôi khi có thể là do sự thay đổi về khẩu vị hoặc những tác dụng phụ của các phương pháp chữa trị. Ở một số bệnh nhân ung thư, tình trạng biếng ăn có thể kéo dài chỉ trong khoảng một vài ngày, một số trường hợp khác có thể diễn ra lâu hơn. Do đó, bệnh nhân nên cố gắng tăng cường bổ sung thêm các loại thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng, chất đạm, cũng như chất lỏng, nhất là những loại đồ uống giàu chất dinh dưỡng, nước ép, sữa hoặc thức ăn nghiền. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cũng nên tạo một không khí thoải mái và vui vẻ cho người bệnh trong suốt bữa ăn. Dưới đây là những chất dinh dưỡng cần thiết trong các bữa ăn của bệnh nhân ung thư, bao gồm: 2.1 Chế độ ăn tinh bột cho người bệnh ung thư Tinh bột thường có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như hạt lúa mạch, lúa mì, ngô, gạo và các loại củ như khoai sọ, khoai lang, khoai tây hoặc sắn. Người bệnh nên hạn chế ăn các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn có chứa nhiều đường đơn, vì có thể đem đến nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe, ngoài ra cũng nên tránh tiêu thụ các loại thực phẩm bổ sung thêm nhiều chất phụ gia. 2.2 Chế độ ăn giàu chất đạm Đạm có nhiều trong các loại thịt, giúp cơ thể hấp thụ đầy đủ các loại acid amin quan trọng. Để đạt được điều này, bệnh nhân cần ăn các loại thực phẩm một cách đa dạng và cân bằng giữa hai nhóm protein thực vật và động vật với nhau. 2.3 Chế độ ăn có chất béo Chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày của bệnh nhân ung thư cần cung cấp đủ một hàm lượng chất béo nhất định, trong đó hàm lượng acid béo không no không nên vượt quá 50% tổng năng lượng. 2.4 Chế độ ăn rau quả Rau củ quả thường cung cấp một lượng vitamin đáng kể, mang lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ tổng thể của người bệnh. Việc thay đổi khẩu vị ăn uống trong thời gian điều trị bệnh là một điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt, những loại thực phẩm như thịt thường mang lại cảm giác tanh hoặc đắng cho người bệnh. Tuy nhiên, sau khi chấm dứt quá trình điều trị, sự thay đổi khẩu vị của bệnh nhân sẽ tự biến mất. Dưới đây là một số cách giúp bệnh nhân ung thư giảm tình trạng khó chịu khi ăn uống, bao gồm: Bệnh nhân nên súc miệng trước khi ăn Ăn nhiều các loại trái cây có vị chua như chanh, cam, quýt, bưởi (trừ trường hợp bệnh nhân đang bị đau ở miệng hoặc họng). Chia bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, đồng thời cho người bệnh ăn những món khoái khẩu của họ, tuy nhiên nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ. Người bệnh ung thư nên ăn nhiều loại rau quả có lợi Những người đang thực hiện phương pháp xạ trị hoặc hóa trị ở các vùng như đầu và cổ có thể bị khô miệng do giảm tiết nước bọt. Điều này khiến cho tình trạng biếng ăn của người bệnh trở nên trầm trọng hơn. Đối với những trường hợp này, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây: Ăn các loại thức ăn chứa nhiều nước hoặc đồ ăn mềm, ví dụ như bún, phô mai, sữa, mỳ, miến, bột ngũ cốc. Tăng tiết nước bọt bằng cách ăn các loại quả có vị chua hoặc nhai kẹo cao su Uống nhiều nước Ăn đồ tráng miệng được ướp lạnh Súc miệng ít nhất 4 lần/ngày và vệ sinh răng miệng sạch sẽ Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường Những bệnh nhân ung thư đang có các tổn thương ở vùng răng miệng nên tránh ăn các thực phẩm rắn, khó nhai nhuốt, và những loại thực phẩm có vị cay nồng, vì chúng có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của sự tổn thương. Nhiều bệnh nhân thực hiện biện pháp hoá trị có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa. Đối với trường hợp này, người bệnh nên ăn trước khi cơn đói xuất hiện, vì có thể khiến cho cảm giác buồn nôn trở nên mãnh liệt hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên bổ sung thêm nhiều nước, uống nước theo từng ngụm nhỏ và sử dụng các loại thực phẩm dạng khô như bánh mì nướng hoặc bánh quy giòn. Bệnh nhân đang điều trị ung thư cần lưu ý uống đủ từ 8-12 cốc nước trong một ngày, chẳng hạn như nước ép hoa quả, sữa hoặc các thực phẩm chứa nhiều nước. Người bệnh nên uống nước thường xuyên trong ngày, không nên đợi đến khi cảm thấy khát nước mới uống, tuy nhiên nên tránh sử dụng các loại đồ uống có chứa nhiều cafein. 3. Tháp chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư Về việc lập kế hoạch ăn uống cho bệnh nhân ung thư, Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ (ADA) đã đưa ra một khuyến nghị dưới dạng kim tự tháp nhằm hướng dẫn những loại và khẩu phần cho các loại thực phẩm mà bạn nên ăn hàng ngày để duy trì sức khỏe. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng, không có thực phẩm tốt hay xấu, chỉ có chế độ ăn uống hoặc phong cách ăn uống tốt hay xấu. Điều này có nghĩa là thói quen ăn uống lâu dài quan trọng hơn những gì bạn ăn trong bữa ăn hàng ngày. 3.1 Tham khảo chế độ ăn theo tháp dinh dưỡng Thực phẩm được đề cập trong tháp dinh dưỡng sẽ thể hiện mức độ quan trọng của chúng đối với sức khỏe. Bạn nên ăn theo tháp dinh dưỡng nhiều những thức ăn được biểu thị ở đáy tháp và ăn ít hơn những thực phẩm được đặt trên đỉnh tháp. Chẳng hạn như nhóm ngũ cốc, trái cây và rau củ nằm ở đáy của tháp dinh dưỡng (nên ăn nhiều), trong khi đó, các nhóm thịt, bơ sữa và chất béo đứng đầu tháp (nên ăn ít hơn). Mặc dù tất cả các nhóm thực phẩm đều có tầm quan trọng nhất định, nhưng những loại thực phẩm thuộc nhóm thực vật nên được chú trọng bổ sung nhiều hơn, còn những loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và chất béo bổ sung nên hạn chế tiêu thụ hoặc ăn chúng một cách điều độ. Sau đây là khẩu phần ăn cho từng nhóm thực phẩm: Nhóm bánh mì, ngũ cốc, gạo và mì ống (6-11 phần ăn mỗi ngày): một khẩu phần bao gồm: 1 lát bánh mì 1/2 chén mì ống nấu chín 1/2 chén ngũ cốc nấu chín (bột yến mạch, bột nghiền. kem lúa mì) 1 oz ngũ cốc ăn liền 1/3 chén cơm 4-6 bánh quy giòn Người bệnh ung thư cần được tư vấn về tháp dinh dưỡng cho khẩu phần ăn từng ngày Nhóm trái cây (2-4 phần ăn mỗi ngày): một khẩu phần trái cây bao gồm 1 trái cây cỡ vừa, chẳng hạn như cam, táo, lê, chuối 1/2 chén trái cây tươi, chín, đông lạnh hoặc đóng hộp 1/4 cốc trái cây khô, như nho khô, xoài hoặc mơ 3/4 cốc (6 oz) nước ép trái cây 100% Nhóm rau (3-5 phần mỗi ngày): một phần rau bao gồm: 1 chén rau sống (gồm bông cải xanh, cà rốt) hoặc rau lá (như rau diếp, rau bina) 1/2 chén rau nấu chín 3/4 cốc nước ép rau củ Nhóm sữa, sữa chua và pho mát (2-3 phần một ngày): đối với các sản phẩm sữa và những công thức nấu ăn có sử dụng chúng làm nguyên liệu, bạn nên lựa chọn loại sữa tách béo hoặc 1% và các loại phô mai mềm, chẳng hạn như ricotta, parmesan, phô mai tươi, mozzarella và Neufchatel. Thông thường, một khẩu phần thực phẩm từ sữa được khuyến nghị sẽ bao gồm: 1 cốc sữa 1 cốc sữa chua không vị 1/2 oz pho mát tự nhiên hoặc 2 oz pho mát chế biến 1/2 cốc kem hoặc sữa đá Nhóm thịt, gia cầm, cá, đậu khô, trứng và các loại hạt (2-3 phần ăn hoặc 6-9 oz một ngày): một khẩu phần thịt hoặc chất thay thế thịt thường bao gồm 3 oz thịt bò, thịt gà, thịt lợn, thịt cá và bánh mì kẹp thịt chay. Để đánh giá dễ dàng khẩu phần thịt, bạn có thể ước chừng 3 oz với kích cỡ khoảng một lòng bàn tay của một người phụ nữ. Nếu sử dụng thịt đỏ, bạn nên lựa chọn những miếng thịt nạc thăn hoặc sườn, vì chúng có chứa ít chất béo hơn. Thông thường, 1 ounce thịt hoặc chất thay thế thịt sẽ bao gồm: 1/2 chén đậu nấu chín hoặc đóng hộp (đậu hoặc đậu Hà Lan) 1 quả trứng 3/4 cốc các loại hạt 2 thìa bơ đậu phộng Nhóm chất béo, dầu và đồ ngọt, bạn nên hạn chế ăn nhóm thực phẩm này vì chúng có chứa nhiều calo và chất béo. Một khẩu phần chất béo bao gồm: 1 thìa cà phê dầu hoặc sốt mayonnaise thông thường 1 muỗng sốt mayonnaise nhẹ 1 thìa súp thông thường hoặc 2 thìa súp nước sốt salad nhẹ 2 thìa kem chua 1 dải thịt xông khói Một khẩu phần đồ ngọt bao gồm: 1 – 3 inch (khoảng 2,54 – 7,62 cm) bánh quy 1 chiếc bánh rán 1 thìa cà phê đường hoặc mật ong Khẩu phần ăn khoa học sẽ giúp ích trong hỗ trợ điều trị ung thư Việc áp dụng chế độ ăn theo tháp dinh dưỡng có vai trò trong việc giúp người bệnh giảm thiểu những tác dụng phụ của các đợt điều trị và cải thiện sức khỏe theo chiều hướng tốt nhất. Nếu cần bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng tư vấn về một thực đơn cụ thể nhất với từng tình trạng bệnh, khách hàng có thể tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được trao đổi thêm bởi các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh viện nổi tiếng với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, đã từng phẫu thuật điều trị nhiều ca bệnh khó và phức tạp. Đặc biệt bác sĩ sẵn sàng lắng nghe, tư vấn về chế độ dinh dưỡng, thực phẩm tốt cho mọi lứa tuổi cũng như theo nhu cầu riêng của mỗi khách hàng. Nguồn tham khảo: stanfordhealthcare.org
Cùng lắng nghe tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư
BVK – Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Ung thư là một bệnh mãn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư có ý nghĩa quan trọng trong việc hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó các tác dụng phụ từ phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân do vậy với người bệnh đang điều trị những phương pháp này thì mục tiêu dinh dưỡng là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, phục hồi để tiếp tục đảm bảo sức khỏe điều trị bệnh. Hãy cùng giải đáp một số vấn đề liên quan đến dinh dưỡng cho người bệnh ung thư cùng GS.TS. Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K; Trưởng bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm (Trường Đại học Y Hà Nội). PV – Thưa bác sỹ, gần đây có nhiều thông tin cho rằng nếu người bệnh ung thư duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều dưỡng chất thì đồng nghĩa với việc nuôi các tế bào ung thư, bác sỹ có thể chia sẻ rõ hơn về quan điểm này? GS.TS Lê Thị Hương – Phải khẳng định là không thể phân tách rạch ròi thức ăn nào là dành cho tế bào khỏe mạnh, thức ăn nào là dành cho tế bào ung thư. Điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn cách ăn kiêng khem thái quá, “quan điểm để tế bào ung thư chết đói” là vô lý và phản khoa học. Có một thực trạng hiện nay là các bệnh nhân ung thư thường lựa chọn chế độ ăn kiêng khem một cách cực đoan, vì lo sợ rằng nếu nạp nhiều chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ “vỗ béo” tế bào ung thư và khiến bệnh tình phát triển nhanh hơn. Thậm chí, không ít bệnh nhân ung thư còn nghĩ rằng, với cách tiết thực như vậy có thể ép chết tế bào ung thư và mình có thể khỏi bệnh. Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng này được cổ súy trên các trang mạng xã hội, đáng tiếc là không ít những kênh online bán thực phẩm ăn kiêng, đồ thực dưỡng bám vào tâm lý này của người bệnh ung thư mà đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khoa học. PV - Như vậy với những người đang điều trị bệnh ung thư thì có cần kiêng thực phẩm nào? Và người bệnh nên áp dụng chế độ dinh dưỡng như thế nào sẽ hợp lý và tốt nhất cho họ, thưa bác sỹ? GS.TS Lê Thị Hương – Trong cơ thể của bệnh nhân ung thư đương nhiên là cùng tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, chúng đều tồn tại và phát triển bằng các nguồn thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể. Hiểu một cách đơn giản bất kì loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nuôi sống chúng ta thì cũng nuôi sống tế bào ung thư. Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein ..... chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường mà nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư. Ung thư là một bệnh mãn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư với ý nghĩa hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Cùng với đó các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh. Do đó người bệnh đang điều trị không cần kiêng khem nghiêm ngặt, nhưng nên lưu ý một số điều dưới dây: Ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng). Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào. Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng. Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo. Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn. Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến. Giữ vệ sinh răng, miệng. Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...) Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế. Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điêu trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả. PV - Một thực trạng đáng buồn, xuất phát từ suy nghĩ sai lầm về chế độ dinh dưỡng ăn chay trường, thực dưỡng ....) của bệnh nhân ung thư là có đến 30% bệnh nhân tử vong do suy kiệt cơ thể trước khi tử vong do ung thư? GS.TS Lê Thị Hương - Muốn điều trị ung thư thì cần phải xác định căn nguyên của bệnh, đó là bệnh ung thư gì, ung thư loại tế bào nào và cần phải được điều trị bằng phương pháp phù hợp. Việc đưa ra phương pháp phù hợp điều trị cần quá trình kiểm tra, thăm khám, đánh giá, hội chẩn của các bác sĩ, tất cả quy trình này đều dựa trên nền tảng khoa học. Đối với vấn đề nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư, thay vì đến các bệnh viện để thăm khám, tư vấn của bác sỹ thì lại nghe theo các phương pháp chữa bệnh không chính thống, không có trong y văn, sử dụng những sản phẩm thiếu nguồn gốc, hạn chế lượng chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể, các phương pháp này chủ yếu là do truyền miệng hoặc xem thông tin từ mạng xã hội sẽ để lại hậu quả khó lường, đầu tiên là sẽ khiến do người bệnh không đảm bảo sức khỏe, thể trạng thì không thể điều trị bệnh ung thư theo phác đồ được. Chế độ ăn của bệnh nhân ung thư hay bất cứ trường hợp nào khác đều cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ đề dinh dưỡng: Ngũ cốc để cung cấp năng lượng, thịt cá để cung cấp protein, dầu mỡ để cung cấp chất béo, rau quả để cung cấp vitamin và khoáng chất. Với chế độ ăn kiêng khem loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thậm chí là chỉ ăn 100% gạo lứt, muối mè, trước hết sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt trầm trọng protein (chất đạm). Protein rất cần thiết trong việc xây dựng các cấu trúc trong cơ thể, cần có protein đề xây dựng nên các tế bào mới liên tục thay thế cho các tế bào cũ chết đi theo chu kỳ bình thường của tế bào. Bên cạnh đó, protein còn tham gia vào các chức năng miễn dịch, các loại hormone. Do đó, khi thiếu đi protein thì cơ thể trở nên rất mệt mỏi và không thể vận hành một cách bình thường được nữa. Với chế độ ăn khắc khổ này thì không chỉ tế bào ung thư chết mà tế bào lành cũng chết. Kết cục là bệnh nhân chết vì suy kiệt, vì thiếu sức đề kháng, vì thiếu năng lượng trước khi chết vì ung thư PV – Cụ thể hơn thì nhiều người bệnh ung thư kiêng thực phẩm có đường, sữa và các loại thịt đỏ, vậy điều này ảnh hưởng như thế nào khi điều trị? GS.TS Lê Thị Hương cho biết: Ngưng sử dụng đường sữa và các loại thịt đỏ (thịt gia súc) không đồng nghĩa với việc các tế bào ung thư sẽ chết, bởi nếu không ăn những thực phẩm này, bắt buộc chúng ta phải ăn các thực phẩm khác để có đủ năng lượng và tồn tại. Như đã đề cập, cái gì nuôi sống cơ thể đồng nghĩa với việc nuôi sống tế bào ung thư, điều quan trọng hơn là ăn đủ chất sẽ còn nuôi dưỡng các tế bào lành, giúp tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể. PV - "Chỉ với việc uống nước chanh nóng không đường hàng ngày có thể giết chết tế bào ung thư, bởi quả chanh có chứa chất chống ung thư còn mạnh hơn cả hóa trị liệu. Nếu duy trì thói quen này trong vài tháng liền có thể chữa khỏi cả bệnh ung thư." - điều này đang được các “bác sĩ tự phong” chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Quan điểm của bác sỹ như thế nào trước vấn đề này? Nước chanh không có tác dụng điều trị khỏi bệnh ung thư GS.TS Lê Thị Hương: Phải khẳng định rằng nước chanh không có tác dụng điều trị khỏi bệnh ung thư, dù là bất kỳ bệnh ung thư nào do các chất chứa trong quả chanh không có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, có chăng với hàm lượng vitamin C cao, việc uống nước chanh chỉ giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. PV - Trân trọng cảm ơn GS.TS Lê Thị Hương đã tham gia chia sẻ về vấn đề này! Như vậy chế độ ăn của bệnh nhân ung thư hay bất cứ trường hợp nào khác đều cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ đề dinh dưỡng, người bệnh không nên kiêng khem cầu kỳ, loại bỏ hết những thwucj phẩm giàu dinh dưỡng để áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, uống ngũ cốc .... để tiêu diệt tế bào ung thư. Đó là quan điểm sai lầm, dinh dưỡng hợp lý là yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thành công của điều trị. Tùy từng người, từng bệnh ung thư lại có những yếu tố khác nhau, do đó người bệnh điều trị ung thư nên gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn, trao đổi và thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho riêng mình.
Chuyên đề nổi bật
-
# News
3 bài viết
-
# Nghiên cứu về Rg3 hỗ trợ điều trị ung thư phổi
7 bài viết
-
# Nghiên cứu về Rg3 hỗ trợ điều trị ung thư gan
10 bài viết
-
# Nghiên cứu về Rg3 hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày
6 bài viết