Ăn uống đa dạng, đủ chất, chia làm nhiều bữa nhỏ, không ăn kiêng,… giúp tăng khả năng chống chọi ở bệnh nhân ung thư.
Chế độ dinh dưỡng tốt giúp cơ thể tăng sức “chiến đấu” với căn bệnh ung thư. Mất cân bằng dạng thừa (ăn quá nhiều một loại thực phẩm) hoặc mất cân bằng dạng thiếu (kiêng khem quá mức) đều có thể gây ra sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, khiến cơ thể đã yếu lại càng suy nhược hơn. Nhưng bổ sung dinh dưỡng như thế nào là phù hợp và hiệu quả cho bệnh nhân?
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bên cạnh dùng thuốc và tuân thủ phác đồ điều trị, dinh dưỡng là nền tảng cơ bản đối với bệnh nhân ung thư. Một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý sẽ tăng nguồn dự trữ năng lượng cho cơ thể, giúp vết mổ hồi phục tốt hơn, giảm mệt mỏi giữa các đợt điều trị. Quá trình điều trị nhờ đó cũng diễn ra thuận lợi hơn.
Ăn uống đa dạng, cân đối
Theo bác sĩ Nghi, bệnh nhân ung thư được phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… rất cần chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để bồi bổ cơ thể. Khẩu phần ăn cần đầy đủ, đa dạng nhiều loại thực phẩm bằng cách thay đổi món ăn thường xuyên trong ngày và trong tuần. Bữa ăn chính nên đảm bảo đủ bốn nhóm thực phẩm cơ bản bao gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, chất đạm (protein) có vai trò quan trọng. Thịt đỏ thuộc nhóm chất đạm, không chỉ chứa hàm lượng protein cao mà còn cung cấp chất sắt. Nó giúp cải thiện tình trạng thiếu máu do hóa trị, tăng sự ngon miệng ở bệnh nhân ung thư vốn dĩ ăn uống kém. Người bệnh có thể sử dụng thêm sữa và các chế phẩm từ sữa; cung cấp đủ lượng nước.
Tuy nhiên, bác sĩ Nghi lưu ý, bệnh nhân không nên bồi bổ quá mức, cân đối các nhóm thực phẩm, không ăn quá mặn và hạn chế thực phẩm chiên, nướng, chế biến sẵn.
Chia làm nhiều bữa nhỏ và thêm bữa phụ
BS.CKI Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết thêm, bệnh nhân ung thư thường ăn không ngon miệng, chán ăn, lười ăn, ăn kém nên không đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể, vì vậy cần phải cố gắng ăn nhiều tối đa theo sức của mình và bù thêm các thực phẩm giàu dinh dưỡng trong bữa ăn chính hoặc trước khi ngủ. Muốn nạp được nhiều dinh dưỡng, ngoài ba bữa ăn chính, nên ăn những bữa ăn phụ nhỏ, xen kẽ những bữa chính.
Có thể bổ sung sữa hoặc dinh dưỡng cao năng lượng đối với bệnh nhân lười ăn, ăn kém, thiếu dinh dưỡng. Bệnh nhân có thể ăn nhiều món trong một bữa, nhưng không nên ăn lặt vặt, lai rai suốt ngày mà nên tập trung trong bữa chính hoặc bữa phụ. Trước bữa chính 02 tiếng thì không nên ăn uống gì ngoài nước lọc, để có thể ăn nhiều vào bữa chính, cũng sẽ giúp cho việc tiêu hóa dễ hơn và bệnh nhân cũng dễ ăn hết khẩu phần ăn hơn.
Tuyệt đối không ăn kiêng
Bác sĩ Thảo Nghi khẳng định, hiện tại chưa có bằng chứng nào cho những tuyên bố về một số loại thực phẩm có thể chữa khỏi bệnh ung thư hoặc một số loại thực phẩm có thể làm cho tình trạng ung thư trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, không cần thiết phải cố gắng ăn hoặc tránh ăn bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào.
Bác sĩ Nghi cũng cho biết, hiện nay có rất nhiều những khái niệm chưa đúng về việc ăn uống có thể chữa khỏi ung thư. Khái niệm phổ biến nhất là về chế độ ăn “bỏ đói tế bào ung thư” thì khối u ác tính sẽ biến mất vì không được nuôi dưỡng. Điều này không sai về mặt lý thuyết, nhưng đáng tiếc lại chỉ là cách nhìn phiến diện, chỉ xét đến khối u, mà quên rằng khối u nằm trong cơ thể bệnh nhân. Cần hiểu rằng, nếu nhịn ăn, các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể cũng sẽ bị bỏ đói và thiếu dinh dưỡng. Bệnh nhân sẽ bị suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng trước khi chết vì bệnh lý ung thư.
“Nói một cách dễ hiểu, khối u ác tính được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu phát triển bất thường xung quanh u; hệ thống mạch máu nuôi dưỡng u hoàn toàn không giống với hệ thống mạch máu nuôi dưỡng bình thường của cơ thể. Vì vậy, có những thuốc điều trị chuyên biệt để ức chế và tiêu diệt hệ thống mạch máu nuôi dưỡng u. Ăn kiêng, giảm ăn hay bỏ đói tế bào ung thư không phải là một cách điều trị. Dinh dưỡng nuôi cơ thể cần phải được duy trì đầy đủ từ chế độ ăn đa dạng thì mới tốt cho bệnh nhân”, bác sĩ Nghi giải thích.
Nói về chế độ thực dưỡng để tiêu diệt tế bào ung thư, bác sĩ Nghi khẳng định, đây cũng là một quan niệm sai lầm. Chế độ thực dưỡng đa số không ăn đạm (đặc biệt là nguồn đạm từ thịt động vật). Đạm từ thịt động vật là nguồn đạm chủ yếu giúp vết thương mau lành và duy trì khối lượng cơ, rất cần thiết cho quá trình phục hồi; đồng thời cũng làm nhiệm vụ như “xe tải” vận chuyển thuốc điều trị khắp cơ thể. Thiếu đạm từ thịt động vật có thể dẫn đến các rối loạn trong cơ thể như thiếu vitamin, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa đường huyết,… Do vậy, cần lưu ý bổ sung đủ lượng đạm từ thịt động vật.
Bổ sung dinh dưỡng bằng nhiều cách
Những bệnh nhân ăn uống khó khăn, hoặc không thể ăn uống qua đường miệng có thể được nuôi ăn qua ống thông mũi – dạ dày, ống mở ruột non hoặc qua đường tĩnh mạch để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Lượng dinh dưỡng đúng và đủ của từng người tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, bệnh lý nội ngoại khoa đi kèm, giai đoạn bệnh ung thư và phương pháp điều trị. Chế độ dinh dưỡng cần được cá thể hóa với sự hỗ trợ về chuyên môn từ bác sĩ ung bướu và bác sĩ dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng có thể làm chậm quá trình lành vết thương, làm xấu đi chức năng cơ thể và tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, ảnh hưởng không tốt đến kết quả điều trị. Tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể làm giảm khả năng dung nạp và đáp ứng với các phương pháp điều trị ung thư. Điều này dẫn đến thời gian nằm viện kéo dài, tăng nguy cơ gián đoạn điều trị và có thể làm giảm khả năng sống còn của bệnh nhân. Dinh dưỡng là một trong những yếu tố then chốt trong quá trình điều trị bệnh ung thư, có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và tiên lượng của bệnh.
“Bệnh nhân ung thư nên cẩn trọng với các chế độ ăn kiêng được cho là có thể chữa khỏi bệnh ung thư, đặc biệt là những chế độ ăn hạn chế nhiều thực phẩm. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, suy kiệt và gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Bệnh nhân ung thư cần ăn uống đầy đủ, thậm chí ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, năng lượng bị bào mòn bởi căn bệnh và phương pháp điều trị”, bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị với các chuyên gia Ung bướu, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 0287 102 6789 – 0287 300 6858
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://tamanhhospital.vn