1. Tầm soát ung thư dạ dày
Đây là nguyên nhân thứ tư gây ra các ca tử vong do ung thư ở cả nam và nữ trên toàn thế giới. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày đặc biệt phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Theo ghi nhận của Tổ chức Phòng chống Ung thư Thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 15.000 – 20.000 bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Trong đó, theo một nghiên cứu quần thể tại TP.HCM, ung thư dạ dày chiếm 6,8% ở nam giới và 3,7% ở nữ giới.
Các kiểm tra cận lâm sàng để tầm soát ung thư dạ dày bao gồm:
- Nội soi dạ dày: là kỹ thuật tầm soát các bệnh lý dạ dày trong đó có ung thư dạ dày. Bác sĩ đưa một ống nội soi (ống mềm dài có gắn máy ảnh và đèn soi) vào miệng, qua thực quản và xuống dạ dày để quan sát bên trong dạ dày.
- Sinh thiết: được thực hiện trong quá trình nội soi dạ dày. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ vùng nghi ngờ bất thường của dạ dày. Mẫu mô này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để xác định tính chất lành tính hoặc ác tính của tế bào dạ dày.
- Chụp cắt lớp dạ dày: Các kiểm tra hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) và PET-CT tạo ra hình ảnh bên trong của cơ thể, từ đó xem ung thư đã di căn đến những nơi khác hay chưa.
Các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn Hp) bằng nhiều cách: kiểm tra hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm trên mẫu sinh thiết của dạ dày và các xét nghiệm khác.
2. Ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là căn nguyên gây tử vong đứng thứ 4 trên thế giới và đứng thứ 5 tại Việt Nam. Bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn càng sớm, hiệu quả điều trị càng tốt và khả năng kéo dài sự sống cho bệnh nhân càng cao.
Ở giai đoạn đầu, ung thư đại tràng thường tiến triển chậm hơn, tỷ lệ sống trên 5 năm đối với việc điều trị theo từng giai đoạn như sau: Giai đoạn I là khoảng trên 90%, giai đoạn II khoảng 80 – 83%, giai đoạn III còn khoảng 60% và giai đoạn IV giảm rất thấp, chỉ còn 11%.
Hầu hết ung thư đại tràng đều phát triển từ polyp tiền ung thư. Có hai loại polyp chính là polyp tuyến và polyp tăng sinh. Polyp tuyến có thể trở thành ung thư qua thời gian; diễn tiến này mất tối thiểu 10 năm. Các kỹ thuật cận lâm sàng sau đây có thể giúp tầm soát ung thư đại tràng:
- Xét nghiệm máu trong phân: Máu trong phân có thể gặp khi có polyp, ung thư hoặc một số bệnh lý khác của đại tràng.
- Nội soi đại tràng: là kỹ thuật để xem bên trong lòng đại tràng, có thể quan sát thấy polyp, vùng mô bất thường hoặc ung thư. Thông qua nội soi, người ta dùng thiết bị để có thể lấy mẫu mô bất thường để làm sinh thiết.
- Sinh thiết: Mẫu mô hoặc tế bào bất thường được bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.
- Siêu âm ổ bụng: Việc phát hiện khối u nằm trong khung đại tràng rất khó bởi đường tiêu hóa sẽ cản trở siêu âm. Tuy nhiên, kỹ thuật này sẽ góp phần phát hiện các dấu hiệu cảnh báo gián tiếp như thành đại tràng dày, tắc ruột…
- Chụp CT cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ MRI: Nhằm phát hiện đặc điểm hình dạng, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u, đồng thời phát hiện sự lan tràn của ung thư đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Tầm soát ung thư đại tràng giúp phát hiện các polyp hoặc ung thư ở giai đoạn đầu. Nếu phát hiện thấy polyp, bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ polyp để ngăn ngừa nguy cơ phát triển thành ung thư. Thực hiện tầm soát thường xuyên giúp phát hiện và loại bỏ polyp, có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng, tăng tiên lượng sống và giảm tử vong do bệnh ung thư đại tràng.
3. Ung thư phổi
Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ 2 trên thế giới (chiếm 11,4%) với khoảng 2,2 triệu ca mắc mới năm 2020. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các bệnh ung thư với gần 1,8 triệu ca tử vong trong năm. Tại Việt Nam, GLOBOCAN ghi nhận có hơn 26.000 ca mắc ung thư phổi và gần 24.000 ca tử vong.
Các phương tiện cận lâm sàng sau đây có thể giúp tầm soát ung thư phổi:
- CT ngực liều thấp (không có thuốc cản quang): có liều tia hấp thụ thấp hơn nhiều so với liều chuẩn của CT Scan thông thường. Vì là phương tiện hình ảnh 3D, nên giúp khắc phục nhược điểm của X-quang ngực thẳng. Nếu phát hiện ra các tổn thương nghi ngờ, có thể kết hợp tiêm thuốc cản quang để khảo sát.
- CT scan có thuốc cản quang và/hoặc PET/CT: chỉ sử dụng tầm soát khi phát hiện nốt bất thường 7-10mm ở phổi.
- Sinh thiết nốt bất thường ở phổi: chỉ thực hiện khi có hình ảnh nghi ngờ cao trên phim CT scan có thuốc cản quang và/hoặc PET/CT.
4. Ung thư gan
Theo GLOBOCAN 2020, Việt Nam có thêm 26.418 người mắc ung thư gan và 25.272 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư gan là bệnh đang có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao. Phần đông người bệnh đến khám khi ở giai đoạn muộn khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Vì vậy việc tầm soát đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp phát hiện và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Các phương tiện cận lâm sàng sau đây có thể giúp tầm soát ung thư gan:
- Xét nghiệm AFP trong máu: chỉ số này có thể tăng cao trên bệnh nhân ung thư gan, nhưng không phải tất cả các bệnh nhân ung thư gan đều có AFP tăng cao.
- Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm bụng, chụp CT & MRI gan- vùng bụng để xác nhận khối u ác tính của gan cũng như đánh giá mức độ xâm lấn – lan rộng của bệnh.
- Sinh thiết khối u nghi ngờ ung thư gan: Một mẫu u gan nghi ngờ ung thư được lấy ra bằng cách đâm kim qua da vào u gan dưới hướng dẫn của siêu âm, hay được sinh thiết trong lúc phẫu thuật, sau đó được quan sát dưới kính hiển vi để chẩn đoán xác định bệnh ung thư gan.
5. Ung thư cổ tử cung
Nằm trong top 3 bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới, ung thư cổ tử cung đã và đang là “vấn đề nhức nhối” bởi bệnh có xu hướng gia tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có hơn 500.000 ca mắc mới, khoảng 250.000 người tử vong, ước tính đến năm 2030 con số tử vong sẽ tăng lên hơn 400.000 người, gấp đôi các trường hợp tử vong có liên quan đến biến chứng thai kỳ.
Dưới đây là các phương pháp phổ biến để tầm soát ung thư cổ tử cung:
- Phết tế bào cổ tử cung (Pap’ smear hoặc ThinPrep): Các tế bào ở cổ tử cung được phân tích dưới kính hiển vi để xác định tính chất lành tính/tiền ung thư hoặc ung thư. Nếu bạn chưa có quan hệ tình dục thì không cần phải làm các xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức nếu có hiện tượng chảy máu bất thường.
- Xét nghiệm HPV: Xác định các dòng virus HPV thuộc nhóm nguy cơ cao gây tiền ung thư – ung thư là tiền đề để các bác sĩ tư vấn cho bạn lịch khám phụ khoa định kỳ tùy theo độ tuổi và các yếu tố nguy cơ khác.
- Soi cổ tử cung: Đây là một thủ thuật để bác sĩ có thể kiểm tra cổ tử cung dưới hình ảnh phóng đại. Ở những khu vực có bất thường có thể được xác định và tiến hành sinh thiết.
- Nạo nội mạc cổ tử cung: Một dụng cụ được đưa vào kênh cổ tử cung để lấy mô kiểm tra dưới kính hiển vi.
- Khoét chóp cổ tử cung: Đây là một thủ thuật được thực hiện bằng cách cắt bỏ một phần hình nón ở cổ tử cung để kiểm tra dưới kính hiển vi. Thủ thuật này được thực hiện ngoại trú bằng cách gây tê tại chỗ và theo dõi.
Lưu ý: Tùy theo độ tuổi và tình trạng bệnh sử cá nhân – gia đình, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm khác nhau.
6. Ung thư vú
Ở Việt Nam, mỗi năm có tới 5.000 người tử vong và 11.000 phụ nữ mắc mới. Trong 15 năm tới, con số này dự tính sẽ tăng lên 33,3% và hơn nữa.
Việc tầm soát bệnh ung thư vú có thể bắt đầu với việc tự kiểm tra vú đều đặn hàng tháng để phát hiện sớm các bất thường. Phần lớn các khối u này là những thay đổi lành tính của tuyến vú, chỉ có khoảng 10-20% khối u vú không may là ác tính. Vì vậy, hãy chủ động đi khám tầm soát vú mỗi năm nếu bạn từ 40 tuổi trở lên.
Trường hợp nếu không có triệu chứng gì, việc chụp nhũ ảnh hàng năm nên được cân nhắc thực hiện cho những người từ 40 – 49 tuổi, hoặc mỗi 1 – 2 năm/lần đối với những người trên 50 tuổi.
Các phương tiện tầm soát ung thư vú bao gồm siêu âm tuyến vú, nhũ ảnh (chụp X-quang tuyến vú), chụp cộng hưởng từ tuyến vú (MRI) hoặc làm xét nghiệm sinh thiết – giải phẫu bệnh (để xác định tính chất lành tính hay ác tính của các tế bào trong khối u vú). Tất cả các dịch vụ này đều được thực hiện trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
7. Ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi, gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với 3.959 ca mới mắc và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13 với 1.873 ca tử vong năm 2018.
Các xét nghiệm tầm soát ung thư tuyến tiền liệt thường được khuyến cáo cho nam giới từ 50 tuổi (sớm hơn nếu cần và/hoặc có yếu tố nguy cơ).
- Khám trực tràng bằng tay: Đây là bước đầu tiên trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt để xác định vùng cứng, sần sùi hoặc có bất thường hay không.
- Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA) trong máu: PSA là một chất được sản xuất bởi cả các tế bào tuyến tiền liệt bình thường và ác tính. Sự gia tăng của nồng độ PSA trong máu là một xét nghiệm gợi ý phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu: Hình ảnh chi tiết của vùng chậu giúp xác định sự lan rộng tại khu vực của ung thư tuyến tiền liệt, xác định có sự xâm lấn đến các hạch bạch huyết xung quanh và di căn xương vùng chậu.
- Chụp xạ hình xương: Giúp phát hiện ung thư đã di căn ra khỏi tuyến tiền liệt đến tận xương. Khi ung thư tuyến tiền liệt di căn, xương là nơi phổ biến nhất mà nó sẽ lan đến.
- Sinh thiết: Là thủ thuật để lấy các mẫu mô hoặc dịch của tuyến tiền liệt để bác sĩ giải phẫu bệnh phân tích dưới kính hiển vi, giúp xác định tế bào ác tính của tiền liệt tuyến. Sinh thiết kim lớn (core biopsy) là hình thức sinh thiết thường sử dụng trong ung thư tiền liệt tuyến.
Tầm soát ung thư có được bảo hiểm y tế không?
Khám tầm soát ung thư hết bao nhiêu tiền, hay tầm soát ung thư có được bảo hiểm y tế chi trả không là điều mà nhiều người thắc mắc. Hiện nay việc tầm soát ung thư không nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nếu so sánh với chi phí điều trị khi bệnh không được phát hiện ở giai đoạn sớm, thì chi phí đầu tư cho việc tầm soát thấp hơn, mà đem lại hiệu quả cao hơn.
Dịch vụ tầm soát ung thư tại BVĐK Tâm Anh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đầu tư hệ thống trang thiết bị tiên tiến giúp tầm soát, phát hiện sớm nhiều bệnh ung thư.
- Máy chụp cắt lớp vi tính (CT) SOMATOM Drive có khả năng chụp 768 lát cắt trong một vòng quay, quét cắt lớp vi tính toàn thân chỉ từ 3 đến 4 giây, giảm liều tia tối đa…
- Máy chụp cộng hưởng từ (MRI) ứng dụng công nghệ “Ma trận sinh học toàn phần” (Đức), mang lại giá trị chẩn đoán cao vượt trội, giảm tiếng ồn lên đến 97% và rút ngắn 50% thời gian chụp so với quy trình chuẩn.
- Hệ thống X-quang kỹ thuật số treo trần với kỹ thuật chụp quét toàn thân chỉ trong 4 giây, hiệu quả gấp 3 lần so với máy chụp X-quang thông thường.
- Hệ thống chụp nhũ ảnh kỹ thuật số cắt lớp (Digital Breast Tomosynthesis) hay còn gọi là nhũ ảnh 3D. Kỹ thuật này giúp tăng tỷ lệ phát hiện ung thư lên đến 40% và đồng thời cũng làm giảm tỷ lệ dương tính giả lên đến 40% với liều xạ sử dụng rất thấp.
- Hệ thống máy Siêu âm 3D đàn hồi Real time hiện đại nhất thế giới từ châu Âu – SuperSonic Imagine Mach 30 – cho phép cung cấp nhiều thông tin giá trị như: độ cứng và vi mạch tân sinh trong sang thương, biến dạng cấu trúc…
- Hệ thống nội soi Fuji 7000 có khả năng phóng đại lên đến 140 lần giúp quan sát tất cả các tổn thương đường tiêu hóa có kích thước rất nhỏ, khó nhìn bằng mắt thường hay các thiết bị cũ.
- Hệ thống nội soi Xion (Đức) giúp phát hiện sớm tổn thương trên dây thanh, chẩn đoán chính xác nguyên nhân khàn tiếng. Máy còn có chức năng PIET spectro giúp phát hiện cấu trúc khối u, sự tăng sinh mạch máu của khối u ác tính, định hướng sinh thiết khối u, giúp tầm soát ung thư vòm họng – hốc mũi – hạ họng – thanh quản.
- Hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa – miễn dịch, huyết học, vi sinh, sinh học phân tử tiên tiến như: Roche Cobas system, Cobas 6500, Hệ thống máy xét nghiệm nước tiểu Roche Cobas u701, u601, u411; máy khí máu Roche Cobas b211…
Phòng hóa trị ung thư được thiết kế 4 mặt đều là cửa kính giúp bệnh nhân cảm thấy không bị gò bó, có thể nhìn thấy cảnh vật và thế giới xung quanh, tạo cho bệnh nhân có cảm giác thêm yêu cuộc sống, giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tối ưu. Đồng thời, thiết kế này cũng góp phần “thu hẹp” khoảng cách giữa bệnh nhân với bác sĩ và nhân viên y tế, giúp cho bệnh nhân cảm thấy rằng nhân viên y tế luôn cùng đồng hành với mình trong thời gian điều trị. Ngoài ra, hệ thống màn che với màu sắc nhã nhặn cũng được sử dụng để tạo không gian riêng tư cho từng bệnh nhân khi cần.
Khu nội trú được thiết kế theo tiêu chuẩn cao cấp với đầy đủ đồ dùng cá nhân, minibar, tivi màn hình LED, internet, thiết bị kết nối nhân viên y tế 24/24, hệ thống khí y tế và các thiết bị cấp cứu bố trí ngay tại giường…
Phòng tiếp đón được trang trí với màu sắc tươi vui, tạo cảm giác ấm cúng và thân thiện. Nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp, tận tâm khi người bệnh khám, điều trị tại bệnh viện. Tư vấn, hỗ trợ miễn phí qua tổng đài, website và fanpage.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 0287 102 6789 – 0287 300 6858
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://tamanhhospital.vn